Độ bền của sên

BÀI 4: Độ bền của sên.
 
Cái gì quyết định độ bền của một sợi sên ? Phốt cao su có giúp sên bền hơn ? Lắp sên đúng kích thước với nhông dĩa thì có khả năng bị đứt khi đang chạy không ?
 
.
 
Lời tựa.
 
Khi làm xe cho khách hàng, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nhận ra hầu hết mọi người đều tìm đến để lắp một bộ nhông sên dĩa đến từ các hãng sản xuất lớn, uy tín cùng chất lượng cao, nhưng lại không hoàn toàn nắm được ý nghĩa cơ bản của thông số nhông sên dĩa trên chiếc xe của mình. Điều này cho thấy các bạn phần đông đều hiểu được tầm quan trọng của những sản phẩm TỐT, nhưng lại không dành đủ quan tâm cho một bộ nhông sên dĩa ĐÚNG.
 
Việc này vô tình khiến cho sản phẩm dù tốt, nhưng mua về lắp vào sai, thì không những không phát huy hết công năng sử dụng, thậm chí ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm lái cùng độ bền. Đó là lý do chúng tôi bắt đầu loạt bài này, để các bạn hiểu rằng những kiến thức đó không có gì quá xa lạ nếu chúng ta thực sự muốn tìm hiểu.
 
Tất cả thông tin trong bài đều được Pangorin dịch và biên soạn từ các nguồn uy tín, bên cạnh đó là kinh nghiệm thực tế của chúng tôi trong lĩnh vực này. Đây hầu hết đều là những thông tin hết sức cơ bản và có thể dễ dàng tìm thấy hoặc kiểm chứng nếu bạn có chút thời gian cho việc tìm hiểu.
 
Dĩ nhiên, bởi vì tự biên soạn và tổng hợp, có thể vẫn sẽ tồn tại những sai sót trong bài viết của chúng tôi, và chúng tôi rất hoan nghênh mọi đóng góp xây dựng loạt bài này từ những người bạn cùng đam mê. Tuy nhiên, để tránh mất thời gian sa đà vào những phản biện không cần thiết, chúng tôi sẽ chỉ phản hồi những góp ý đi kèm theo lý lẽ cùng dẫn chứng thuyết phục. Xin phép không trả lời, xóa những phản hồi có tính chất gây hấn, những thắc mắc quá căn bản mà chúng tôi đã viết trong bài khác hoặc đơn giản là chỉ cần google là ra.
 
Mục đích cuối cùng vẫn là để chúng ta hiểu được chiếc xe của mình, và hiểu được nhau theo một cách đủ tôn trọng lẫn trách nhiệm. Mong rằng những chia sẻ này sẽ đến được với những ai cần chúng.
 
Cảm ơn.
 
.
 
--------------------- Bài 4 ---------------------
 
Với mỗi khách hàng nhắn tin hay gọi điện đến hỏi mua nhông sên dĩa, chúng tôi thường đề nghị đặt một cuộc hẹn để cùng nhau làm rõ về nhu cầu chạy xe của họ trước khi lắp đặt. Nghe qua có vẻ buồn cười, nhu cầu chạy xe của mình thế nào chẳng lẽ mình còn không rõ mà phải hẹn tới hẹn lui. Nhưng quả thực, biết nhu cầu chạy thế nào chưa hẳn đã chọn được cho mình một bộ nhông sên dĩa phù hợp. 
 
Trên thị trường hiện tại, hầu như các đơn vị phân phối hiện chỉ đang cung cấp quá ít các lựa chọn cho khách hàng. Và tất nhiên, không phải lúc nào cũng có lựa chọn phù hợp nhất cho nhu cầu mỗi người. Nếu không quan tâm đúng mức đến nhông sên dĩa, chắc ít ai sẽ nhận biết được chuyện này. 
 
Thông thường, câu hỏi của khách hàng khi tìm một sợi sên mới là “Sên này có bền không ?”. Độ bền luôn là yếu tố quan trọng nhất khi chọn sên. Tuy nhiên, ít ai biết được cái gọi là “độ bền” của sên bao gồm nhiều khái niệm khác nhau, và những khái niệm này thường bị nhập nhằng trong cách hiểu, gây ra nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn này vô tình gây khó khăn cho khách hàng muốn tìm mua sản phẩm phù hợp cho mình, cho xe của mình. 
 
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ tập trung nói về cách để lựa chọn được sợi sên có độ bền tối ưu nhất trên xe của bạn. Những yếu tố khác nếu không quá quan trọng sẽ được lướt qua, dành cho những bài viết khác. 
 
Vậy “độ bền” của sên bao gồm những yếu tố nào trong đó. Chúng tôi sẽ lần lượt đề cập vấn đề này bên dưới.
 
.
 
1. Tuổi thọ (wear-life): 
 
Là tuổi thọ trung bình tính theo số km đi được của một sợi sên trong điều kiện chạy xe ổn định. Dĩ nhiên tuổi thọ này phải đi kèm theo yêu cầu đúng phân khối xe sử dụng. 
 
Chất lượng của sợi sên trong trường hợp này được quyết định phần lớn bởi cốt sên (pin) và trục cốt sên (bush). Nếu để ý sẽ thấy khi tháo một sợi sên cũ (cụ thể là đẩy cốt của một mắt sên ra), trên cốt thường sẽ có những vết hằn. Khi cốt bị hằn và mòn sẽ tạo ra khoảng hở giữa cốt với trục, làm cho mắt sên đó bị lỏng. Đây là lý do vì sao khi sên hết tuổi thọ, cho dù có tăng hết cỡ thì trông sợi sên vẫn bị chùng và các mắt sên rất lỏng lẻo. 
 
Đây cũng là nguyên nhân chính làm sên bị giãn. Sên bị hao mòn đều trên mọi mắt. Nghĩa là khi mòn đi, mỗi mắt sên đều sẽ mang một khoảng hở, và một sợi sên thì có hơn hơn một trăm mắt. Do đó, chất lượng sợi sên, cụ thể là vật liệu cấu thành các pins và bushes, nếu không đủ độ bền để đáp ứng cho lực máy của xe, cũng như đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ở cách chạy xe (thói quen đề-pa hay thắng số nhiều chẳng hạn), thì tuổi thọ sẽ giảm nhanh chóng.
 
Sên cũng hao mòn khi sử dụng nhiều mà không được chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên và đúng cách. 
 
Tuổi thọ sên sẽ giảm đáng kể khi sên không được bôi trơn thường xuyên, nhất là trong điều kiện sử dụng liên tục. Đó là lý do các hãng sên tạo ra phốt cao su (O-ring, X-ring, XW-ring..) nhằm mục đích giữ được nhiều chất bôi trơn hơn. Bên cạnh đó, phốt cao su cũng có tác dụng ngăn nước và bụi bẩn lọt vào giữa cốt và trục.
 
Nghĩa là, phốt cao su giúp cho sợi sên bền hơn bằng cách hạn chế sự rò rỉ chất bôi trơn cũng như ngăn các tác nhân khác vào phá hoại mắt sên. Vòng đệm cao su cũng giúp phần nào cố định vị trí của các má sên, để khi vận hành, sợi sên ít bị xê dịch qua lại theo chiều ngang nhằm hạn chế việc răng nhông dĩa ma sát với má sên gây ra hao mòn. Tuy nhiên bù lại, sên sẽ nặng và kém linh hoạt hơn khá nhiều. Do đó, việc lựa chọn sên có phốt hay không, và nếu có thì nên lựa chọn loại phốt nào cũng là một yếu tố mà người sử dụng cần cân nhắc. Chúng tôi sẽ sớm có riêng một bài đi sâu hơn nữa vào vấn đề thú vị này.
 
Tóm lại, độ bền sên trong trường hợp này, tức là tuổi thọ sên, phần nhiều được quyết định bởi vật liệu và công nghệ cấu tạo các pins và bushes. Bên cạnh đó, việc bảo dưỡng để sên luôn ở trạng thái hoạt động tốt nhất cũng là yếu tố cần nhắc đến, và phốt cao su được sinh ra nhằm giải quyết vấn đề đó, tạo thuận lợi cho người sử dụng khi ít phải bảo dưỡng thường xuyên hơn.
 
.
 
2. Độ chịu lực căng (tensile strength): 
 
Là độ bền của sên khi liên tục bị kéo căng với lực kéo tăng dần.
Để xác định được độ chịu lực này, nhà sản xuất thử nghiệm trên sên bằng cách tác động lực kéo từ nhỏ đến lớn dần, dĩ nhiên là thử nghiệm nhiều lần trên cùng một loại sên. Tensile strength ghi nhận lực kéo căng tối đa mà sợi sên chịu được cho đến khi bị đứt trong thử nghiệm trên. 
 
Điểm thú vị là sợi sên trong thí nghiệm này sẽ luôn đứt tại điểm mỏng nhất trên má sên (plate). Do đó trong trường hợp này, độ bền được quyết định chủ yếu bởi vật liệu cấu tạo của plate.
 
Nói thêm về ứng dụng của mức chịu lực căng này trong thực tế. Hầu hết khách hàng khi mua sên sẽ chỉ quan tâm đến kích thước xem có lắp vừa xe mình hay không (ví dụ 428, 520, 525..) mà bỏ qua thông tin về chỉ số tensile strength vốn luôn in trên hộp. Nghĩa là, nếu bạn lắp một sợi sên có chỉ số này thấp hơn yêu cầu của nhà sản xuất (ví dụ lắp sên có tensile strength dành cho xe 400cc vào xe 800cc, mặc dù đều cùng kích thước 520), thì trong một khoảnh khắc xe hoạt động với công suất cao và độ căng sên đạt đến mức cực hạn, sên hoàn toàn có thể đứt dù còn rất mới)

.
 
3. Độ chịu lực kéo giật (fatigue): 
 
Là độ bền của sên khi bị kéo đột ngột ở một lực nhất định.
 
Có cách xác định gần tương tự như tensile strength, nhưng độ chịu lực này được thử nghiệm bằng cách tác động vào những lực kéo từ nhẹ đến mạnh một cách đột ngột, để xem sợi sên sẽ đứt ở lần kéo nào. Trong thí nghiệm này, sên cũng sẽ bị đứt ở điểm mỏng nhất của má sên. Do đó chỉ số này cũng được quyết định bởi vật liệu cấu tạo nên plate.
 
Ứng dụng của chỉ số này cũng dễ hình dung. Bạn lắp một sợi sên có mức chịu giật thấp hơn nhà sản xuất yêu cầu vào xe, sau vài lần khởi động hay bứt tốc đột ngột, chắc chắn sên sẽ không còn đảm bảo an toàn, hoặc tệ hơn là đứt ngay lập tức. Trường hợp này thực ra không hề hiếm, chúng tôi đã gặp thực tế vài lần.

.
 
Tổng hợp lại, những bộ phận chính quyết định độ bền của sên gồm cốt sên (pin), trục cốt sên (bush) và má sên (plate). Do đó, việc sợi sên có đủ độ bền để đáp ứng 1 trong 3, hoặc cả 3 tiêu chuẩn trên hay không phần lớn là dựa vào chất liệu và công nghệ chế tạo nên các bộ phận đó. 
 
Không thể lấy sợi sên tiêu chuẩn dành cho Kawasaki Z300 để gắn lên Z800 rồi yêu cầu sên phải bền và đảm bảo an toàn. Cùng là sên 520, 525 hay 530 nhưng các tiêu chuẩn trên cũng sẽ khác nhau do sử dụng vật liệu và công nghệ chế tạo khác nhau.
 
Cho nên, với mỗi nhu cầu xe hay mỗi phân khối xe khác nhau, có rất nhiều yếu tố cùng góp phần quyết định một sợi sên thế nào là bền, và thế nào là đạt chuẩn. 
 
Điều quan trọng nhất mà chúng tôi luôn cố gắng nhắc các khách hàng đến với mình, khi chọn mua sên, nếu chỉ quan tâm đến tuổi thọ và kích thước sên mà bỏ qua các chỉ số khác, thậm chí là cách lắp đặt không đúng chuẩn, thì sên hoàn toàn có thể bị hư hại trước thời gian nhà sản xuất khuyến cáo. Hoặc nghiêm trọng hơn là bị đứt ngay khi đang sử dụng. 
 
Và chắc là ai cũng có thể hình dung điều kiện sử dụng (hoặc hiểu đơn giản là tốc độ lái) nào có thể khiến một sợi sên đang lắp xe phân khối lớn bị đứt.
 
-Pangorin-
Quay lại
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Quay lại trang tin
loading
Liên hệ: 0987 83 89 85